Nâng cao nhận thức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Đẩy lùi hủ tục
VHO- Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi hủ tục nhằm góp phần nâng cao chất lượng môi trường văn hóa cơ sở nhiều năm qua đã được các địa phương quan tâm, chú trọng. Những đám cưới, đám tang và lễ hội dần dần đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng diện mạo đời sống mới lành mạnh; nhận thức của người dân dần được nâng cao, hình thành những mô hình tiêu biểu, những giá trị văn hóa chuẩn mực, mang lại giá trị tích cực cho đời sống cộng đồng.
Mô hình cưới theo nếp sống mới ngày càng được nhân rộng
“Sức mạnh mềm” đẩy lùi hủ tục
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được quan tâm đẩy mạnh. Những đám cưới được gìn giữ nét đẹp truyền thống; tổ chức lễ cưới theo nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Đặc biệt, đã giảm thiểu đáng kể các trường hợp tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài, lãng phí. Trong việc tang, việc hành lễ cơ bản không còn hủ tục mê tín dị đoan, người chết không để trong nhà quá 48 tiếng; đám tang không mở loa đài, kèn trống quá công suất và quá giờ quy định; việc hung táng, cải táng đảm bảo vệ sinh môi trường... Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, đa số lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; vận động cộng đồng loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan môi trường sạch đẹp, tổ chức lễ hội đảm bảo vệ sinh môi trường.
Góp phần mang đến nhiều chuyển biến tích cực này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương quan tâm, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Các hương ước, quy ước được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức; hướng dẫn các thôn, làng, bản xây dựng hương ước, quy ước gắn với nội dung trọng tâm của Phong trào TDĐKXDĐSVH và quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2022, đối với vùng nông thôn đã bổ sung các nội dung thực hiện hương ước, quy ước với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới; nhiều huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện lồng ghép đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước như một tiêu chí để xây dựng nông thôn mới và công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, thôn, làng, khu phố văn hóa.
Trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, định hướng giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong nhiều năm qua luôn được chú trọng, qua đó tạo nên “sức mạnh mềm” để đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nơi có nhiều đồng bào các DTTS sinh sống, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống luôn song hành với đấu tranh đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Trên địa bàn huyện, công tác vận động, tuyên truyền giữ một vị trí quan trọng. Đội ngũ cán bộ văn hóa bằng nhiều cách thức, nỗ lực thực hiện công tác vận động tuyên truyền, tác động đến nhận thức của cộng đồng. Nhiều hủ tục vốn tồn tại lâu năm, ăn sâu trong tiềm thức và lối sống của người dân đã dần được đẩy lùi. Ông Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng Phòng VHTT huyện Quản Bạ cho hay, nhằm xóa bỏ hủ tục lạc hậu, Quản Bạ tận dụng sức ảnh hưởng của những người uy tín trong các dòng họ, trong cộng đồng các dân tộc. Hủ tục để người chết dài ngày trong nhà, ăn uống linh đình, mổ nhiều bò, lợn... tại các đám ma của một số dân tộc thiểu số trước đây nay đã dần bị loại bỏ. Vai trò của Ủy ban MTTQ được phát huy, cùng với phát huy vai trò của đội ngũ những người uy tín trong dòng họ đã thực sự tạo nên những thay đổi tích cực về nhận thức, tư duy và hành động của người dân trong cộng đồng các dân tộc.
Nét đẹp truyền thống trong đám cưới dân tộc Dao đỏ Ảnh: HOÀNG NGUYÊN
Lấy xây dựng môi trường văn hóa cơ sở làm gốc
Tại tỉnh Yên Bái, nền tảng được xác định là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo, những giá trị chuẩn mực văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy; làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Yên Bái đã thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Ngành Văn hóa đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh hướng dẫn các địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; hướng dẫn tới các gia đình, đặc biệt là các gia đình dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu vùng xa xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín. Vận động nhân dân không thách cưới bằng bạc trắng, thuốc phiện; không để người chết trong nhà quá lâu, bón cơm, phơi nắng, mổ nhiều trâu, bò tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém...
Theo Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, trên địa bàn tỉnh hằng năm có khoảng trên 2.000 đám cưới. Về cơ bản, các đám cưới được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh; tại nhiều làng, bản, tổ dân phố văn hóa, việc cưới đã bỏ được tục mời thuốc lá, tổ chức cỗ bàn linh đình đã giảm, phần lớn việc cưới đều tổ chức trong một ngày, hạn chế hiện tượng dựng rạp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... Về việc tang, những năm gần đây không còn tình trạng để người chết trong nhà quá thời gian quy định; việc phúng viếng bằng vòng hoa, bức trướng lan tràn, rắc vàng mã khi đưa tang, mở nhạc tang quá to, tổ chức ăn uống linh đình mổ nhiều trâu, bò... đến nay đã giảm. Về tổ chức lễ hội, hằng năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn ra khoảng trên 40 điểm lễ hội, với 2 loại hình chính là lễ hội truyền thống và lễ hội văn hóa du lịch. Các lễ hội không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan, mất vệ sinh môi trường; công tác an ninh được đảm bảo; các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức vui tươi, lành mạnh; công tác kiểm tra lễ hội được thực hiện thường xuyên, tổ chức lễ hội được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
Là một trong những địa phương tiêu biểu dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và đặc biệt là nhân rộng các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống hiệu quả. Nhiều năm qua, vùng quê Kinh Bắc luôn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa; gắn các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với phát triển kinh tế xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; đẩy lùi và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội…
Hải Phòng nhân rộng các mô hình điểm Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong nhiều năm qua được chú trọng: Không tổ chức cỗ bàn nhiều ngày, không mời thuốc lá trong tiệc cưới, thực hiện việc tang tiết kiệm. Hầu hết các lễ cưới trên địa bàn được thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình; hiện tượng tảo hôn được hạn chế, không có hiện tượng thách cưới, ép duyên; các đám cưới được tổ chức tiết kiệm, vui tươi, lịch sự. Đoàn thanh niên các cấp tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động tổ chức đám cưới theo mô hình cưới văn minh, thực hành tiết kiệm, với các hình thức tổ chức đơn giản mà vui tươi, trang trọng. Đối với việc tang, quy trình tổ chức tang lễ được đơn giản hóa, nhiều hủ tục lạc hậu như ca kèn, cúng gọi hồn, yểm bùa, đi lùi, lăn đường, đội cầu... đã cơ bản được loại bỏ. Tình trạng tổ chức cỗ bàn mời khách sau ngày tang lễ, các tuần tiết được giảm đáng kể so với trước đây. Hình thức cải táng, điện táng văn minh, chống ô nhiễm môi trường đã và đang được xã hội tiếp nhận, đồng tình. THẢO NGÂN |
MINH NGỌC